Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội đánh giá hiệu quả công việc chính xác cho khối gián tiếp bằng chỉ số KPI
Theo đó, KPI là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, công cụ đo lường hiệu suất làm việc của người lao động, được thể hiện qua số liệu, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh đánh giá hiệu quả hoạt động của các cá nhân, phòng ban nghiệp vụ mà không đo đếm được bằng năng suất.
Mục đích việc sử dụng KPI trong đánh giá công việc nhằm đảm bảo cho người lao động thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong bảng mô tả công việc của từng vị trí chức danh cụ thể, góp phần cho việc đánh giá công việc trở nên minh bạch, rõ ràng, công bằng, công khai, nhằm nâng cao hiệu quả công việc bởi vì các chỉ số KPI mang tính định lượng cao và đo lường được các nội dung công việc của từng vị trí.
Bà Mai Hải Vân – Giám đốc XN Sơ mi cho biết: “Hiện nay, tại XN Sơ mi đang áp dụng KPI cho khối gián tiếp sản xuất: kỹ thuật, IE, sửa máy, nguyên phụ liệu.
+ Kỹ thuật áp dụng từ năm 2018 (5 năm)
+ IE áp dụng từ năm 2014 (9 năm)
+ Kho nguyên phụ liệu áp dụng năm 2019 (4 năm)
+ Sửa máy áp dụng đánh giá KPI năm 2022.”
Các nội dung để chấm điểm KPI bao gồm: Bản mô tả công việc; Tiêu chí chấm điểm KPI; Bảng ghi nhận năng suất hàng ngày: có các nội dung và chỉ số đo lường được từng nội dung công việc, cá nhân tự chấm, tổ/XN chấm; Bảng tổng hợp KPI/tháng; Hưởng lương theo điểm KPI.
Thực tế tại XN Sơ mi cho thấy, trước đây khi chưa áp dụng đánh giá KPI cho khối gián tiếp thì việc đánh giá chi trả lương chưa được công bằng, công việc không đo đếm được, hiệu quả làm việc của mỗi người chưa cao.
Bà Mai Hải Vân chia sẻ thêm 9 kết quả lớn đạt được sau khi áp dụng đánh giá KPI:
- Mọi người chủ động, tự giác, nỗ lực nhiều hơn trong công việc. Trong sản xuất có thời điểm nhiều việc, ít việc, khi công việc chuyên môn ít, mọi người tự giác vào chuyền hỗ trợ sản xuất để có thêm điểm KPI và tăng thêm doanh thu cho XN. (Ví dụ sửa máy, kỹ thuật, kho NPL… hỗ trợ các khâu trực tiếp SX cắt, may, là…)
- Hiệu quả công việc của cá nhân/tổ /nhóm được nâng lên rõ rệt cả về chất lượng và khối lượng công việc
- Lao động gián tiếp đã giảm dần ở các khâu từ 10-15%
- Chi trả lương được công bằng và minh bạch hơn cho từng người
- Khi áp dụng chấm điểm KPI nhân viên hiểu rõ hơn về khối lượng công việc của mình, qua đó mọi người chủ động sắp xếp, cân đôi và thực hiện công việc của mình sao cho đạt hiệu quả nhất.
- Áp dụng KPI là động lực cho người lao động hoàn thành tốt công việc của mình vì hoàn thành công việc nhiều hơn thì sẽ được hưởng lương cao hơn.
- Khối gián tiếp đã quen với việc ghi năng suất công việc hàng ngày cũng giống như những người công nhân trực tiếp SX, họ đều nắm được năng suất của mình sau mỗi ngày làm việc
- Giúp cho quản lý giảm thiểu thời gian giám sát nhân viên trong thời gian làm việc.
- Đánh giá chính xác năng lực làm việc của mỗi người, đồng thời giúp cho việc phân công, bố trí lao động các khâu gián tiếp được phù hợp và hiệu quả hơn.
Trong quá trình áp dụng KPI đến nay XN Sơ mi vẫn thường xuyên theo dõi và cải tiến cho phù hợp và chính xác hơn với tình hình thực tế. Các đơn vị trong TCT có thể tham khảo áp dụng theo tình hình thực tế tại đơn vị mình.
Hồng Hạnh