1900.636.628

Ứng dụng vay tiền trực tuyến bùng nổ: Dễ vay, khó trả, hối không kịp – “Miếng pho mát miễn phí hóa ra chỉ có trong bẫy chuột”!

Dễ vay, khó trả  

Gary Wang, 25 tuổi, không thể trả tất cả các khoản chi tiêu, nhưng anh không dừng lại được thói quen mua sắm của mình.

Điện thoại và quần áo xuất hiện trên các ứng dụng xem video ngắn hoặc trang mua hàng trực tuyến đều là những món đồ mà Wang không thể bỏ qua. Tuyệt vời hơn khi các nền tảng này cho phép anh thanh toán dễ dàng.

Wang làm việc trong ngành phần mềm ở tỉnh Hồ Bắc, có thu nhập hàng tháng là 8.000 nhân dân tệ (1.191 USD), cho biết: “Vay từ các nền tảng dễ dàng hơn rất nhiều so với người quen”.

Khi nhận ra mình không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống hàng ngày, anh đã vay 150.000 nhân dân tệ, chủ yếu là để ăn tối và trang trải chi phí cho bạn gái hiện tại.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế thị trường tín dụng và cho vay tiêu dùng trực tuyến của quốc gia, đưa các doanh nghiệp fintech – bao gồm Ant Group, có dịch vụ tín dụng vi mô từng tiếp cận ít nhất 350 triệu người vay – tuân theo các quy định như các ngân hàng truyền thống. Nhưng thói quen “mua ngay, trả sau” đã ăn sâu vào thế hệ trẻ.

“Các dịch vụ cho vay trực tuyến len lỏi gần như tất cả vào các ứng dụng trên điện thoại, vì vậy bạn sẽ nghĩ đến chúng bất cứ khi nào bạn cần trả tiền”, Wu Ying, một kỹ thuật viên y tế tại Quảng Châu, cho biết với SCMP.

Cô gái 26 tuổi này lần đầu tiên đi vay để trang trải các giao dịch mua hàng trực tuyến. Khi hóa đơn chồng chất, cô chuyển sang nhiều kênh tín dụng hơn, cuối cùng tích lũy các khoản nợ trên chín nền tảng bao gồm Alipay của Ant Group , Meituan, Douyin của ByteDance và Qihoo 360.

Ứng dụng vay tiền trực tuyến bùng nổ: Dễ vay, khó trả, hối không kịp - "Miếng pho mát miễn phí hóa ra chỉ có trong bẫy chuột"! - Ảnh 1.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã có các động thái quyết liệt để các công ty Big Tech thu hẹp quy mô hoạt động liên quan đến các ứng dụng tài chính, các dịch vụ nhỏ hơn đã phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống ngân hàng kém phát triển của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của một thị trường xám cho vay cá nhân rộng lớn. Trong khi thế hệ cũ thường chọn vay từ các thành viên trong gia đình, thì Thế hệ Z hiểu biết về kỹ thuật số đã quen với việc tìm kiếm trợ giúp trực tuyến.

“Quá dễ dàng để vay từ các nền tảng internet”. một người vay nợ họ Xia, sống ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết. “Nó giống như chuyển tiền từ tài khoản của chính bạn”.

Một trong những ứng dụng mà Xia sử dụng để trang trải khoản nợ cá cược thể thao của mình là Youqianhua, dịch theo nghĩa đen là “Tôi có tiền để tiêu”. Theo trang web của ứng dụng, dịch vụ này, thuộc công ty tìm kiếm Baidu, hứa hẹn sẽ phê duyệt đơn đăng ký vay trong thời gian ngắn nhất là 30 giây.

Thủ tục đó dễ dàng hơn nhiều so với việc vay ngân hàng, vốn thường phải có tài sản thế chấp và giấy tờ. Hầu hết các dịch vụ tín dụng trực tuyến chỉ cần yêu cầu căn cước và các thông tin cá nhân cơ bản khác.

Mặc dù đang cố gắng bắt kịp bằng cách cung cấp tín dụng tiêu dùng nhanh hơn và dễ dàng hơn với các ứng dụng của riêng mình, ngân hàng vẫn không phải lựa chọn ưu tiên đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi, những người hiếm khi đến các chi nhánh ngân hàng thực hoặc mở các ứng dụng ngân hàng.

Bao Linghao, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu Trivium China, cho biết: “Các công ty Internet có thể kiếm tiền bằng các khoản cho vay vi mô vì các ngân hàng trong nước dường như thiếu sự sẵn sàng và nỗ lực để theo đuổi lĩnh vực này.

Ứng dụng vay trực tuyến bùng nổ ở Trung Quốc: Dễ vay, khó trả, hối không kịp - Ảnh 1.

Hối hận không kịp

Đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet, việc cung cấp tín dụng tiêu dùng cũng có thể tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của chính họ.

Khi người tiêu dùng cân nhắc xem có nên đăng ký dịch vụ phát trực tuyến hay mua túi xách từ nền tảng thương mại điện tử hay không, thì việc có được tín dụng dễ dàng chính là yếu tố làm nên khác biệt.

Tang Yinan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán, cho biết các dịch vụ tín dụng trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, vì họ có thể dễ dàng ký vào khoản nợ có lãi suất cao với các điều kiện không công bằng, chẳng hạn như các khoản phí bổ sung.

Một nhân viên bán xe hơi ở Giang Tô, giấu tên, cho biết anh ta đã ký hai hợp đồng khi đăng ký tín dụng thông qua nền tảng Weibo. Một khoản vay đi kèm với lãi suất 8%, trong khi khoản vay còn lại phải trả phí dịch vụ 14% với Weibo đóng vai trò bảo lãnh.

Tổng chi phí của hai khoản vay, cùng với các khoản phụ phí khác, lên tới 22,4%, ngoài khoản tiền gốc là 10.000 nhân dân tệ.

Vào ngày đầu tiên khi khoản nợ quá hạn, người đàn ông cho biết những người thu nợ đã nhanh chóng gửi cho anh ta một tin nhắn văn bản lúc 8 giờ sáng, và điện thoại của anh ta bắt đầu đổ chuông lúc 9 giờ sáng.

“Tôi tràn đầy lo lắng và hối hận, nhưng chính tôi đã đi sai hướng”, anh nói. “Có vô số lời đe dọa và cuộc gọi đòi nợ từ các số lạ trên khắp Trung Quốc”.

Cuối cùng, anh đã trả được các khoản vay của mình với sự giúp đỡ của gia đình và thề sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm.

Tín dụng tiêu dùng trực tuyến tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc một phần nhờ vào sự gia tăng của điện thoại thông minh. Với một vài thao tác vuốt trên màn hình, giờ đây mọi người có thể vay tiền dễ dàng hơn bao giờ hết.

Sự bùng nổ đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc và mang lại các dịch vụ tín dụng cho những nhóm dân cư vốn thường bị bỏ rơi bởi hệ thống ngân hàng truyền thống.

(Theo Mạnh Kiên/Thể thao và Văn hóa)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ