Trẻ đã là F0, có cần tiêm vaccine phòng Covid-19?
Mấy hôm nay, chị Đỗ Hà An 38 tuổi và con gái Linh Nhi gần 6 tuổi sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội dương tính với SARS- CoV-2. Mẹ tuy mệt nhưng vẫn cố gắng chăm con gái bởi 2 ngày qua, bé liên tục sốt cao hơn 39 độ rưỡi.
Thể trạng bé Linh Nhi gầy yếu, nay mắc Covid-19 lại càng mệt, chuyện ăn uống cũng rất khó khăn. Trước đây, lo sợ Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ nên vợ chồng chị Hà An rất muốn cho bé nhà mình được tiêm vaccine phòng bệnh. “Cách đây vài tuần, nghe tin vaccine phòng Covid-19 cho trẻ sẽ về trong nay mai nên rất mừng. Cũng nghe ngóng xem thời gian tới các bé tiêm có an toàn không vì các bé cũng phải đi học nữa”- chị Hà An nói. Tuy nhiên, khi bé đã bị mắc Covid-19, đây cũng là lý do để chị Hà An suy tính lại thời điểm tiêm vaccine cho bé.
Chung hoàn cảnh có con bị mắc Covid-19, vợ chồng anh Lê Anh Tuấn sống tại quận Hà Đông, Hà Nội cũng rất lo cho sức khỏe của con trai 5 tuổi. Mấy hôm nay, anh Lê Anh Tuấn vẫn theo dõi mọi thông tin liên quan đến việc tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, sau khi con mắc Covid-19, hai vợ chồng lại cảm thấy khá mông lung trước quyết định tiêm hay không tiêm vaccine cho con. “Là phụ huynh có con mắc Covid-19 rồi thì cũng băn khoăn lắm vì khi đã mắc bệnh, trong người đã có sức đề kháng nhất định vậy thì có cần tiêm không và liều lượng thế nào, tác dụng của thuốc trong cơ thể bé là bao lâu”, anh Lê Anh Tuấn thắc mắc.
Trẻ từng là F0 vẫn nên tiêm vaccine phòng Covid-19
BS Đỗ Thiện Hải- Phó GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới kiêm trưởng khoa Nội- BV Nhi Trung ương cho rằng, các bé khi được tiêm vaccine hay đã mắc Covid-19 đều tạo được kháng thể để phòng bệnh. “Đối với Covid-19, chúng ta thấy kháng thể phòng bệnh sẽ giảm theo thời gian. Các chủng virus xuất hiện ở các thời điểm khác nhau nhưng khả năng bảo vệ chéo ở các chủng virus lại chưa rõ ràng. Vì thế, dù đã mắc Covid-19 rồi, trẻ vẫn cần tiêm vaccine hoặc đã tiêm rồi thì nên tiêm nhắc lại”.
Từ thành công và kinh nghiệm từ chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, những phản ứng hiếm gặp sau tiêm vaccine cũng sẽ được khắc phục bằng cách chuẩn bị thật kỹ càng, theo dõi cẩn thận và xử lý kịp thời. “Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn cho các bé sau khi tiêm vaccine”- BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.
Với các bé có sức khỏe bình thường, khoảng thời gian phù hợp để các bé có thể tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh theo khuyến cáo của các chuyên gia là khoảng từ 3-5 tuần. “Sau khi mắc bệnh, trẻ đã có đủ thời gian phục hồi từ 3-5 tuần, do vậy, có thể thực hiện được những mũi tiêm ngay sau khi trẻ khỏe chứ không cần chờ đợi lâu hơn nữa”- bác sĩ Hải nói.
Nếu gặp biến chứng nặng khi mắc Covid-19, trẻ có tiêm được không?
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, nếu có biến chứng nặng nhưng không ảnh hưởng đến các cơ quan thì các bé hoàn toàn có thể tiêm được. Nếu biến chứng gây suy giảm chức năng các cơ quan thì lúc đó mới phải trì hoãn tiêm cho trẻ. Nếu trẻ có những biến chứng hậu Covid-19 nhưng theo dõi điều trị tại nhà thì các bé có thể tiêm được nhưng nhất thiết phải tiêm tại các cơ sở y tế và theo dõi chặt chẽ sau tiêm.
“Một trong những biến chứng gần đây cũng hay gặp đó là tình trạng rối loạn miễn dịch sau khi mắc Covid-19, đó là những phản ứng của cơ thể, do đó, sau khi khỏi bệnh, em bé phục hồi sức khỏe, tức là các biến chứng nặng này không còn làm suy giảm các cơ quan nữa thì chúng ta hoàn toàn thực hiện tiêm chủng được. Phụ thuộc cơ địa và tình trạng của từng em bé thì lúc đó bác sĩ sẽ khám và có chỉ định cụ thể”- bác sĩ Hải nói.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ sẽ giúp làm giảm tình trạng tái nhiễm. Ngoài ra, việc tiêm phòng còn giúp làm giảm các triệu chứng nặng của bệnh, do vậy khi trẻ đã mắc rồi thì vẫn nên tiêm vaccine để tạo kháng thể phòng các chủng khác. Bởi thực tế lâm sàng ở nhóm trẻ lớn, khi đã tiêm vaccine phòng Covid-19, nếu có nhiễm thì các triệu chứng hoặc diễn biến bệnh cũng sẽ nhẹ hơn là nếu không tiêm.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ đã mắc Covid-19 rồi vẫn tiêm đúng theo liều lượng đã được Bộ Y tế và nhà sản xuất khuyến cáo./.