Những bi kịch từ rượu
Mất tương lai vì rượu
Lạm dụng rượu bia đã gây ra bi kịch cho nhiều gia đình trong những ngày đầu năm mới. Có mặt ở khu vực khám cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày mùng 5 Tết, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất nặng được đưa vào đây. Trên giường bệnh, nam thanh niên 21 tuổi ở Nga Sơn, Thanh Hóa được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng chấn thương rất nặng ở vùng đầu và mặt. Mẹ bệnh nhân đôi mắt đỏ hoe cho chúng tôi biết: “Tối mùng 4 Tết, cháu đi liên hoan cùng nhóm bạn, có uống rượu. Trên đường về, cháu đèo bạn, do đi xe máy tay côn của bạn, lại chạy nhanh, phanh gấp, vướng ổ gà nên tự ngã, lao đập mặt vào cột mốc bên đường. Cháu cấp cứu ở bệnh viện huyện, do chấn thương quá nặng nên sáng ra được chuyển đến đây”.
Kể với chúng tôi, người mẹ đau đớn cho biết, cách đây 8 năm, đúng vào nơi xảy ra tai nạn của con trai, chồng chị cũng bị tai nạn giao thông, đêm khuya phóng xe tốc độ cao, tự ngã lao vào cột mốc ven đường. Do đêm khuya không có người đi lại, khi phát hiện được thì chồng chị đã tử vong. “May mắn con đèo bạn đằng sau, người này chỉ bị thương nhẹ, lúc đó có người qua đường đã giúp đưa con vào bệnh viện. Nếu có một mình, không ai biết, bi kịch có khi lại xảy ra như với bố cháu 8 năm trước”, người mẹ nghẹn ngào nói.
Chỉ vì rượu bia mà trong tích tắc từ một thanh niên khỏe mạnh, tương lai hứa hẹn phía trước, nam bệnh nhân phải nằm viện cấp cứu với chấn thương nặng nề. “Lúc nhận được tin con bị tai nạn đúng địa điểm bố cháu mất, tôi rụng rời chân tay, lo lắng, hốt hoảng và chỉ cầu con bình an vượt qua. Bây giờ chưa biết con tình trạng nặng ra sao vì chưa có kết quả chụp chiếu. Cảnh báo đã uống rượu bia không điều khiển xe không khi nào là thừa”, người mẹ nói.
Nhập viện vào giáp Tết Nguyên đán trong tình trạng bất tỉnh, gãy 2 đùi, trong đó một bên đùi gãy làm mấy tầng, B.X.Q (20 tuổi, Bắc Ninh) được bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh nhận định rất nặng và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi tỉnh lại từ ca phẫu thuật, biết mình sẽ phải mất một thời gian dài phục hồi chức năng, Q đã suy sụp. Chàng thanh niên không thể ngờ, sau cuộc nhậu tất niên với bạn, trên đường chạy xe về nhà đã xảy ra tai nạn. TS.BS Nguyễn Văn Học, Phó trưởng Khoa Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Q nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, tổn thương nặng nề với hai bên đùi gãy khá phức tạp, chấn thương bụng, gãy xương sườn. Khi nhập viện, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Q gần 30mg/100ml máu, dẫn tới chức năng đông máu kém, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, phục hồi chậm hơn. Do bệnh nhân sử dụng rượu bia với nồng độ cồn lớn khiến men gan tăng cao, phải điều trị hồi sức vài ngày, khi bệnh nhân ổn định mới phẫu thuật
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chúng tôi chứng kiến nhiều ca tai nạn giao thông rất thương tâm, người nhà đau đớn khóc ngất khi hay tin người thân không qua khỏi hoặc phải sống thực vật. Trong đó, có những người là nạn nhân của “ma men” cầm lái, nhưng có những người chính là “ma men” tự gây tai nạn.
TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, có những trường hợp vô cùng đáng tiếc, chỉ vì uống rượu bia, không làm chủ được tốc độ, đã gặp tai nạn thương tâm. Đó là nam sinh viên 20 tuổi, đang theo học tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Sau bữa tiệc liên hoan cùng bạn bè, nam sinh say rượu nhưng vẫn cầm lái. Do không làm chủ tốc độ, ngã chúi đầu xuống và bị chấn thương cột sống cổ. Mặc dù các bác sĩ đã mổ cấp cứu ngay, phẫu thuật cố định cột sống cho người bệnh, nhưng sau mổ, di chứng chấn thương quá nặng, bệnh nhân liệt hoàn toàn. “Chỉ vì rượu bia mà một sinh viên đầy triển vọng và hoài bão đã phải khép lại việc học. Tỉnh lại sau ca mổ, biết mình từ nay chỉ ngồi trên xe lăn, bệnh nhân đã bị sốc rất nặng”, BS Hùng xót xa.
Từng chứng kiến rất nhiều bi kịch do tai nạn giao thông gây ra vì rượu bia, có bệnh nhân rơi vào trầm cảm sau cú sốc khi biết mình “mất chân”, BS Hùng đặc biệt khuyến cáo tới người dân “đã uống rượu thì không cầm lái”.
Uống cồn tẩy rửa… thay rượu
Những ngày đầu năm mới, thật đáng buồn khi lại có nhiều người sau cuộc nhậu vui xuân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh. Có mặt ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến những tiếng kêu tít tít của máy thở trong khu hồi sức, bệnh nhân đang hôn mê phải thở máy, lọc máu vì rượu, mới thấy hết sự lo lắng, bất an của người thân. “Từ mùng 3 Tết đến nay, ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, có nhiều ca rất nặng và nguy kịch” TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết.
Từng gặp nhiều người đến mức bị “sảng rượu” do nghiện rượu lâu năm, gia đình phải chật vật nhiều lần mới “bắt” được họ vào viện cai rượu, nhưng vẫn lén trốn ra ngoài uống trộm. Hoặc có người thèm rượu quá, nhưng bị gia đình “quản” chặt, đã lén uống cồn 90 độ cho đỡ… nghiền, chúng tôi mới thấy, hậu quả của ma men thật tàn khốc. Bởi nhiều trong số họ đã uống phải cồn 90 độ rởm, dẫn tới mất mạng hoặc may mắn hơn thì phải nằm điều trị dài ngày với di chứng nặng nề.
Bệnh nhân Đ.V.T (52 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) nghiện rượu hơn 20 năm, do có tổn thương về thần kinh trước đó nên mỗi khi rượu vào, anh T thường không kiểm soát được hành vi và tâm lý. Vì vậy, gia đình quyết tâm cai rượu cho anh. Cách đây 5 tháng, con trai anh T về chơi, có mang theo chai cồn nướng mực. Số cồn còn dư lại, anh T lén gia đình mang ra dùng hằng ngày cho đỡ “nhớ rượu”. Sau đó, hằng ngày không có người ở nhà, anh T lại tự mua cồn ở hiệu thuốc về uống. Mỗi ngày “nhấp” một ít, đến mùng 6 Tết, anh T tỉnh dậy thấy tối sầm. Gia đình đưa đi khám mắt, nhưng không cải thiện, sau đó đưa vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tuy đã được dùng thuốc giải độc, chạy thận, nhưng cơ hội phục hồi thị lực được tiên lượng kém. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, chai cồn bệnh nhân dùng hằng ngày được kiểm nghiệm là loại chỉ dùng tẩy rửa, không phải cồn y tế. Vì được bán ở hiệu thuốc nên người dân dễ dùng nhầm lẫn.
Cũng có tiền sử nghiện rượu như anh T, nhưng anh N.C.K (46 tuổi, Vĩnh Phúc) lại không được may mắn khi anh “nhấp” cồn vì nhớ rượu. Chiều 28/1, gia đình phát hiện anh này uống cồn 90 độ pha loãng. Sau đó anh K nôn nhiều, ý thức lơ mơ, được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cấp cứu. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, lọc máu, sau đó chuyển lên Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Mặc dù được các BS hồi sức cấp cứu, song bệnh nhân không qua khỏi. Theo BS Nguyên, cồn mà bệnh nhân này uống là cồn rởm – cồn công nghiệp methanol – không phải cồn y tế.
Anh T.V.B trông người nhà đang phải thở máy, lọc máu do ngộ độc rượu ở Trung tâm chống độc lo lắng: “Hôm nay là lọc máu lần 2, không biết bố tôi có tỉnh lại được không”. Theo anh B, bố anh thường xuyên uống rượu, hầu như ngày nào cũng nhậu, đến nhà nào chúc Tết cũng uống vài chén. “Mùng 7 Tết ông bị mờ mắt, co giật, cả nhà hốt hoảng cho đi bệnh viện cấp cứu. Đến đây mới biết ông bị ngộ độc do uống phải rượu rởm”, anh B kể. Ngoài lo về bệnh tật của bố, anh B còn lo lắng đến khoản tiền chi phí lọc máu, thở máy rất lớn khi bố anh còn điều trị dài ngày.
Rượu ngâm tưởng bổ… hóa ra hại thân
Uống rượu ngâm đã trở thành thói quen của nhiều người khi họ cho rằng rượu ngâm động vật, rễ/lá cây đều bổ. Từ mật cá, tiết ba ba, đến cả bìm bịp nguyên lông, tắc kè, hải mã, lộc nhung, rắn, ấu tàu… đều cho vào ngâm rượu. Bổ đâu chưa thấy mà chỉ có những bi kịch xảy ra trong ngày Tết.
Sau chầu nhậu rượu ngâm củ ấu tàu vui Tết, 2 người đàn ông ở Hải Dương đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc nặng. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, 2 bệnh nhân một người 49, một người 53 tuổi, cùng uống rượu ngâm củ ấu tàu trong bữa nhậu ngày Tết, sau đó xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở, một người tím tái. Ngày 25/1 cả hai chuyển lên Trung tâm chống độc trong tình trạng loạn nhịp tim, phải sốc điện, đặt ống thở máy, truyền thuốc chữa loạn nhịp, dùng thuốc nâng huyết áp. Xét nghiệm nước tiểu có chất gây loạn nhịp tim – chất này có trong củ ấu tàu. “Củ ấu tàu chỉ dùng để xoa bóp, không được uống vì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người lại tưởng ngâm củ này với rượu là bổ, đặc biệt khách du lịch đi Sapa, hoặc đến những địa điểm có rừng núi, nghe người bán quảng cáo củ ấu tàu về nấu cháo ăn để tăng cường sức khỏe là mua về sử dụng. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Nhiều người cứ tưởng phụ tử chế (là qua quá trình đun nấu theo Đông y để giảm độc tố), nghĩ rằng thế là an toàn, nhưng thực ra vẫn ngộ độc”, BS Nguyên nói.
Còn theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể.
BS Nguyên cũng cảnh báo, từ nay đến hết tháng 2, thậm chí sang tháng 3 sẽ còn các ca ngộ độc vào nhập viện khi người dân vẫn còn du xuân. Tại Trung tâm có những bệnh nhân nặng cấp phải cứu hồi sức là do uống rượu lâu năm dẫn tới xơ gan, chỉ cần thêm nhiễm khuẩn rất nhẹ khác, nếu uống thêm rượu rất dễ bị nhiễm toan chuyển hóa nặng/rất nặng và dễ tử vong vì gan khử độc kém, chuyển hóa kém.
(Theo Công an Nhân dân)