Mắc phải những sai lầm này khi uống thuốc, cẩn thận ‘tiền mất tật mang’
Không đọc hướng dẫn sử dụng, uống sai thời điểm, ngừng uống quá sớm hoặc bảo quản sai cách… là những sai lầm khi uống thuốc nhiều người hay mắc phải.
Không đọc hướng dẫn sử dụng thuốc
Mỗi loại thuốc luôn có hướng dẫn sử dụng đi kèm, trên đó ghi thông tin về thành phần, công dụng, cách sử dụng và tác dụng không mong muốn. Tất cả đều là những thông tin cần thiết để bạn hiểu về thuốc mà mình đang sử dụng.
Để dùng thuốc sao cho an toàn, bạn cần xác định mình có nằm trong đối tượng chống chỉ định của thuốc không, cơ địa có bị dị ứng với loại thuốc đó không, khi dùng thuốc này có cần kiêng những loại thực phẩm nào không?… Đó là lý do vì sao người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc.
Uống sai thời điểm
Thời điểm sử dụng thuốc có thể được chỉ định vào các buổi trong ngày như sáng, trưa, tối hoặc trước hay sau bữa ăn. Lựa chọn thời điểm uống thuốc vào lúc nào đóng vai trò quan trọng trong cách sử dụng thuốc đúng cách, an toàn toàn và hiệu quả.
Thông thường, bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ là người đưa ra những chỉ định cho bệnh nhân thời điểm sử dụng thuốc, hoặc bạn có thể đọc trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Thời điểm sử dụng thuốc trong ngày là quy tắc, vậy nên bất kể sử dụng loại thuốc nào, thời điểm uống là vô cùng quan trọng.
Nghiền hoặc bẻ nhỏ cho dễ uống
Hầu hết các viên thuốc đều có lớp vỏ bọc, các lớp vỏ này rất cần thiết cho dược chất phát huy tác dụng. Phần lớn các dạng thuốc viên nén, viên bao, viên nhộng, nang mềm… đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, bỏ vỏ thuốc hay bẻ vụn chia thành nhiều liều… các vỏ này có tác dụng bảo vệ thuốc khỏi bị phân huỷ bởi dịch axit của dạ dày, giúp thuốc xuống ruột mới tan, tránh mùi vị khó chịu để dễ uống và có tác dụng để hoạt chất giải phóng từ từ, liên tục khi di chuyển trong cơ thể.
Việc cắt vụn viên thuốc thành các mảnh nhỏ đồng nghĩa với việc dược chất được giải phóng trước thời điểm đáng lẽ cần phát huy tác dụng.
Bảo quản thuốc sai cách
Môi trường nhiều hơi nóng và độ ẩm cao có thể làm hỏng thuốc hoặc giảm hiệu quả. Chính vì vậy, bạn nên bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát như trong tủ cao và hoặc ngăn kéo… Một số loại thuốc khác như Insulin và một số loại thuốc khác cần được bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, tất cả các loại thuốc đều nên để xa tầm với của trẻ em, hoặc được để trong loại chai lọ mà trẻ không thể tự mở nắp.
Ngừng uống thuốc quá sớm
Nhiều người thường có thói quen khi cảm thấy đỡ bệnh là ngừng uống thuốc. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Với thuốc huyết áp và giảm đường huyết, nếu thấy huyết áp, đường huyết tạm ổn định đã vội dừng thuốc thì có thể làm tăng đột biến huyến áp hoặc đường huyết sau đó. Với thuốc kháng sinh, nếu cảm thấy bớt bệnh sau một vài ngày mà dừng uống quá sớm sẽ dễ bị bệnh trở lại, bởi vì vi khuẩn gây bệnh vẫn còn tồn tại chưa được tiêu diệt sạch.
Dùng thuốc của người khác
Tác dụng của mỗi loại thuốc tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng dung nạp thuốc của từng người. Việc dùng chung thuốc có thể gây hại cho bệnh nhân, thậm chí tử vong.
Nuốt thuốc khô
Việc uống thuốc thẳng từ chai thường gặp với dạng thuốc nước. Cách uống thẳng từ chai dễ khiến thuốc bị nhiễm khuẩn, nhanh biến chất, lại không thể kiểm soát chính xác liều lượng, dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị hoặc quá liều.
Một số người không dùng nước mà nuốt thuốc, khiến thuốc không trôi được xuống mà mắc lại ở thực quản gây tổn thương thực quản. Ngoài ra, do không có đủ nước để làm tan, nuốt thuốc khô sẽ khiến một số loại thuốc kết thành sỏi ở trong cơ thể.
Nằm uống thuốc
Uống thuốc với tư thế nằm sẽ khiến thuốc dễ bị dính vào thực quản, làm giảm hiệu quả điều trị và gây kích thích thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Vì vậy, bạn nên chỉ ngồi hoặc đứng khi uống thuốc.
theo VŨ HUYỀN báo vtc new