Điểm tin ngày 30/11/2022
Báo điện tử VOVNews có bài: Xuất khẩu xanh – doanh nghiệp Việt ứng phó với “rừng” tiêu chuẩn từ EU.
Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và tăng trưởng xanh là những vấn đề phát triển kinh tế thường xuyên được đề cập tới trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh này, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều và khắt khe hơn, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực đáp ứng.
Câu chuyện thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, “tính xanh” trong thương mại quốc tế không còn là câu chuyện mới mẻ đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú quốc tế – chuyên ngành dệt may xuất khẩu, cho biết: “Nếu như doanh nghiệp không chủ động “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu của thời đại thì sẽ không có đơn hàng. Hiện nay tình hình nhiều nơi thường xuyên có cuộc hội thảo của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bàn về tình trạng các doanh nghiệp bị cắt giảm lao động… Tuy nhiên. đến thời điểm này thì chúng tôi vẫn tự hào đã nỗ lực duy trì và tuyển lao động chứ không có cắt giảm”.
Báo Hà Nội mới có bài: 4 nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1048923/4-nguyen-tac-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham
Theo Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Lê Thị Hằng, để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, người dân cần tuân thủ tuyệt đối 4 nguyên tắc. Đó là: Nguồn gốc thực phẩm bảo đảm; yếu tố con người trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Với người tiêu dùng phải tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
Do đó, lựa chọn thực phẩm tươi sạch là yếu tố đầu tiên giúp phòng tránh được nguy cơ gây bệnh. Tốt nhất, người dân nên chọn những thực phẩm tươi sống, thực phẩm bán tại các địa chỉ uy tín, hạn chế sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Riêng với những loại thực phẩm đã chế biến phải được đóng hộp hoặc đóng gói bảo đảm, có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng.
Khi chế biến thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh bát đũa, dụng cụ chế biến thực phẩm sạch sẽ, vệ sinh, dọn dẹp phòng bếp ngăn nắp và gọn gàng, sử dụng nguồn nước sạch. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”, thức ăn đều phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ mắc ngộ độc thực phẩm, sau khi nấu xong cần ăn ngay. Bởi, thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Báo điện tử VTCNews đưa tin: Bắc Bộ đón đợt rét sâu nhất từ đầu mùa, vùng núi cao có thể xảy ra mưa tuyết.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bộ phận không khí lạnh mạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Ảnh hưởng của đợt không khí lạnh này, Bắc Bộ nhiệt độ giảm sâu, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C, khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Cụ thể, khoảng đêm 29/11, bộ phận không khí lạnh trên ảnh hưởng đến vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, gần sáng và ngày 30/11 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó đến Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Từ ngày 30/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi và trung du Bắc Bộ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C, vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 11-13 độ C, Bắc Trung Bộ 13-15 độ C.
Ngày 1-2/12, khả năng Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Ngày 3/12, vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời rét. Từ ngày 1-3/12, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Vùng núi cao có thể xảy ra băng giá, mưa tuyết.
P.TT&TT (TH)