Điểm tin ngày 27/10/2022
Báo điện tử VTVNews có bài: Kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ.
https://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-but-toc-manh-me-20221026205059302.htm
Dù mới giữa tháng 10, nhưng một doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty May 10 cho biết, công ty đã hoàn thành xuất khẩu 50% số đơn hàng dệt may của cả quý IV năm nay. 9 tháng qua, doanh nghiệp đã hoàn thành trên 85% kế hoạch xuất khẩu của cả năm. Đánh giá quý IV xuất khẩu sụt giảm do nhiều thị trường lớn giảm sức mua, doanh nghiệp đã chủ động phương án từ sớm.
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: “Không chỉ khai thác các thị trường truyền thống mà hiện nay chúng tôi còn khai thác các thị trường mới. Trong bối cảnh bão giá như hiện nay, chúng tôi cũng đang tập trung siết chặt định mức kinh tế kỹ thuật, nghĩa là trước kia phải mua 3% cái hao hụt, hiện nay chúng tôi giảm xuống mua 1%, thậm chí là 0,5% hao hụt cho nguyên phụ liệu đầu vào, qua đó giảm bớt sự tăng giá đầu vào nguyên nhiên phụ liệu”.
Tính đến ngày 21/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD. Đáng chú ý Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 8 tỷ USD. Đây là một trong những mức xuất siêu kỷ lục được ghi nhận tại một thời điểm trong năm. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Báo Sức khỏe và đời sống có đưa tin: Sáng 27/10: Nhiều biến thể phụ mới của Omicron xuất hiện, đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19.
Bộ Y tế cho biết ngày 26/10 có 826 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn 300 ca so với ngày trước đó. Sau 2 ngày giảm dưới 500 ca/ ngày, liên tiếp từ ngày 24-26/10, số ca mắc COVID-19 đã vươt mốc 500 ca. Cùng đó sau vài ngày không ghi nhận ca tử vong do COVID-19, ngày 26/`10 có 1 bệnh nhân tại Cần Thơ tử vong.
Mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước ta vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, cùng đó trên thế giới cũng xuất hiện nhiều biến thể phụ mới của Omicron, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch;
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19;
Tạp chí chất lượng Việt Nam có bài: Những loại đồ uống có thể gây xơ gan, suy thận tránh lạm dụng.
https://vietq.vn/nhung-loai-do-uong-co-the-gay-xo-gan-suy-than-tranh-lam-dung-d205009.html
PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc – Nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai; Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cho biết, trong cơ thể người, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, với vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe.
Đây là bộ phận đảm nhiệm nhiều vai trò như chuyển hóa, thải độc, sản xuất mật, chống nhiễm trùng… Vì vậy khi gan bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác của con người.
Hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện nhiều bệnh lý về gan, nguyên nhân đầu tiên là do virus. Viêm gan do virus bao gồm viêm gan A, B, C, D, E nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Nguyên nhân thứ 2, người dân, đặc biệt là giới trẻ, uống rượu, bia nhiều, gây ra tổn thương viêm gan cấp. Uống bia, rượu kéo dài còn gây xơ gan, ung thư tế bào gan. Đây là 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh lý về gan.
Ngoài ra, chế độ ăn uống chưa khoa học, tình trạng béo phì, thừa cân cũng gây bệnh gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, tổn thương gan có thể còn do nhiễm độc từ đồ ăn, uống, nhiễm ký sinh trùng…
Theo các chuyên gia, ngoài rượu, bia thì Trà sữa, trà đặc, nước ngọt có ga cũng là những loại đồ uống không nên dùng quá nhiều vì chúng có thể gây xơ gan, suy thận.
P.TT&TT (TH)