Điểm tin ngày 14/03/2022
Báo điện tử Tiền phong có bài: Nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ của Omicron.
https://tienphong.vn/nguy-co-tai-nhiem-bien-the-phu-cua-omicron-post1422836.tpo
Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.2 còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang lây lan tại khoảng 100 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết Omicron là chủng có 36 đột biến trong protein gai, giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh. Biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới ca nhiễm tăng dễ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế, từ đó tăng ca tử vong. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 5K vì 5K giúp cản trở lây nhiễm. “Hiện virus chưa có biến đổi về đường lây, vẫn lây qua giọt bắn. Tại các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng, nếu phân tầng điều trị không thích hợp sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong”, TS Phu nói đồng thời khuyến cáo các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Báo điện tử Vietnamnet có bài: WHO: Các triệu chứng hậu Covid-19 thường kéo dài 2 tháng.
Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng WHE tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có ba triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến.
Năm thứ ba của đại dịch, thế giới đối mặt với tình trạng hậu Covid-19 hay còn gọi là Covid-19 kéo dài.
Nhiều người đã phải đối mặt với một số biến chứng ngay cả khi đã khỏi Covid-19. Rõ ràng, căn bệnh này không bỏ sót bất kỳ cơ quan nào của cơ thể và để lại ảnh hưởng hàng tháng, thậm chí cả năm sau đó.
Hậu Covid-19 dài thường kéo dài từ 2 tháng trở lên. “Nếu các triệu chứng biến mất trong vòng một tháng, tình trạng đó không được coi là hậu Covid-19”, chuyên gia nói.
Có khoảng 200 biểu hiện bệnh xuất hiện ở giai đoạn này, trong đó có những tác động phổ biến nhất như: Mệt mỏi; Khó thở; Rối loạn chức năng nhận thức; Triệu chứng tim mạch
Không có phương pháp điều trị chung cho mọi trường hợp. Việc chữa bệnh phải lấy người mắc làm trung tâm và tập trung vào các triệu chứng mà người đó gặp phải. Hiện tại không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu Covid-19 nhưng có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Báo Người lao động có bài: Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Test nhanh Covid-19 thế nào để hiệu quả, ít tốn kém?
Mới là F1 đã test ngay Covid-19 hay test liên tục khi trở thành F0 để xem mình bệnh có nặng không là không đúng và không cần thiết. Test không quan trọng bằng theo dõi triệu chứng, có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó.
Với Omicron và với cả Delta trước đó, vạch trên que test nhanh đậm hay nhạt không phản ánh được bệnh đang nặng hay nhẹ hoặc sẽ nặng hay nhẹ, vì tải lượng virus không ảnh hưởng đến độ nặng nhẹ của bệnh như các biến thể trước.
Test lên 2 vạch, dù vạch T đậm hay nhạt, thì cũng dương tính rồi. Lúc này hãy lo cách ly, theo dõi triệu chứng, có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó. Vì Omicron bản chất là nhẹ, người chích ngừa vắc-xin Covid-19 đủ rồi thì càng nhẹ, người trẻ khỏe càng nhẹ hơn.
Test nhanh không có giá trị giúp biết chắc thời điểm đó, mình có đủ virus để lây bệnh cho người khác hay không. Nhiều người có triệu chứng mấy bữa test mới lên, nhưng trước đó là đã lây rồi.
Vì vậy, test không quan trọng bằng theo dõi triệu chứng, mang khẩu trang kỹ khi thấy “nghi ngờ” bản thân. Trong “mùa” Omicron này, có triệu chứng thì nên chủ động tránh lây cho người khác.
Hồng Hạnh (TH)