Điểm tin ngày 12/08/2022
Báo điện tử VOV News đưa tin: Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại cùng nguy cơ ‘dịch chồng dịch’.
https://vtc.vn/so-ca-mac-covid-19-tang-tro-lai-cung-nguy-co-dich-chong-dich-ar693919.html
Tại nước ta, sau một thời gian lắng xuống, đến nay dịch COVID-19 bắt đầu ghi nhận các biến chủng mới. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, người từng mắc COVID-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại.
Bộ Y tế lưu ý các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại. Trong đó, đặc biệt tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Báo điện tử Vietnamnet có bài: Đói đơn hàng, thị trường xuất khẩu đang xấu đi.
https://vietnamnet.vn/doi-don-hang-thi-truong-xuat-khau-dang-xau-di-2048223.html
Chi phí đầu vào tăng cao cùng nhu cầu tại nhiều thị trường lớn giảm khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với khó khăn vào nửa cuối năm 2022, đặc biệt là tình trạng thiếu đơn hàng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay, quý 4/2021, DN này dự báo thị trường dệt may thế giới năm 2022 sẽ phục hồi trở lại, thậm chí tốt hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đến nay nhận định này đã phải thay đổi. Thị trường quý 3 và quý 4/2022 đang xấu đi, với giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh trong nửa đầu năm thì tốt nhưng nửa cuối năm đang đối mặt khó khăn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng thị trường 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là bởi lạm phát ở nhiều nước tăng, sức mua toàn cầu giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn khiến đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Cùng với đó, giá bông nguyên liệu lại tăng gần 20% nên hàng dệt may Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Trang thông tin điện tử Tổng hợp Soha có bài: Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn.
Rằm tháng 7 được coi là một trong những dịp cao điểm nhất về việc tiêu thụ vàng mã. Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng quan niệm rằng, trong dịp này, từ khoảng ngày 10 đến 15 Âm lịch, con cháu cần đốt thật nhiều vàng mã cho tổ tiên, ông bà, người thân. Việc làm này mang ý nghĩa tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn đến người đã khuất.
Tuy nhiên trên thực tế, không ít vụ chát thương tâm đã xảy ra và nguyên nhân là do việc đốt vàng mã và mắc phải các sai lầm.
Người dân cần ý thức đốt vàng mã đúng nơi quy định, ở những địa điểm đủ điều kiện và đảm bảo an toàn.
Trước, trong và cả sau khi đốt vàng mã, người đốt luôn phải để tâm và chú ý để xử lý kịp thời nếu như xảy ra tình huống xấu.
Người dân nên xem xét kỹ về số lượng vàng mã cần đốt. Không nên đốt quá nhiều vàng mã, đặc biệt là các loại có kích thước lớn như nhà cửa, xe cộ…
Khi xảy ra cháy, cần nhanh chóng hô hoán, báo động cho những người xung quanh để mau chóng di chuyển đến nơi an toàn. Có thể dùng khăn mặt thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc để che chắn mặt, cơ thể.
Hồng Hạnh (TH)