Điểm tin ngày 12/02/2022
Báo Người lao động có bài: Nhập viện nhiều do giá rét.
https://nld.com.vn/suc-khoe/nhap-vien-nhieu-do-gia-ret-2022021119032813.htm
Theo nhiều bệnh viện ở Hà Nội, thời tiết chuyển lạnh kéo dài khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện gia tăng, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh nền. Thống kê tại Bệnh viện E trung ương cho thấy mỗi ngày, Khoa Cấp cứu bệnh viện này tiếp nhận 80-100 bệnh nhân trong đó bệnh nhân đột quỵ và tim mạch chiếm tỉ lệ cao. Tại Khoa Khám bệnh, tỉ lệ bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng từ 10%-20%.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, lượng bệnh nhân cũng gia tăng nhất là các bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp…Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị, cho biết nhiệt độ giảm sâu ở các tỉnh miền Bắc nhiều ngày qua có thể làm nặng thêm các bệnh tiềm ẩn, đặc biệt ở người cao tuổi.
Các bác sĩ khuyến cáo với thời tiết lạnh ở miền Bắc thời gian này người già cần chú ý các dấu hiệu nghi ngờ về bệnh tim mạch như: đau thắt ngực, cảm giác khó chịu vùng ngực, khó thở, tức ngực, buồn nôn, nhức đầu… Đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não như: đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay, chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân… Nên đến bệnh viện ngay khi mắc những triệu chứng vừa nêu. Những người có bệnh mạn tính (huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch) cần tuân thủ điều trị, để tránh các biến chứng.
Báo điện tử VTV News có bài: Trẻ em khoẻ mạnh khi mắc COVID-19 cũng có thể trở nặng, nguy kịch.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, BS Nguyễn Thành Lê, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong số 30 bệnh nhi mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở này có 4 ca diễn biến nặng phải thở oxy. Trong đó, có hai trường hợp có bệnh nền (ung thư máu), hai ca còn lại 12 – 13 tuổi ở Hà Nội, tiền sử khỏe mạnh nhưng vào viện đã suy hô hấp.
Trước đó, các trường hợp diễn biến nặng lên chủ yếu là các bé mắc bệnh lý nền nặng như thận mạn tính, ung thư, béo phì… Theo BS Lê, cứ 100 bệnh nhi COVID-19 thì có khoảng hai trường hợp tiền sử bình thường nhưng vẫn suy hô hấp, phải thở oxy.
Theo các bác sĩ, số trẻ mắc COVID-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn. Có trẻ không có triệu chứng đường hô hấp mà lại có triệu chứng ở não hay tim. Điều đáng lo ngại là phụ huynh không nghĩ trẻ bị nhiễm COVID-19 mà chỉ là cảm sốt thông thường hoặc các bệnh khác, nhất là những trẻ nhỏ có biểu hiện kích thích, vật vã, nôn ói chứ không khó thở hay các triệu chứng như ở người lớn. Do đó, các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn, bỏ sót và đưa con đến bệnh viện muộn.
Báo Sức khỏe và Đời sống có bài: Hà Nội khuyến khích các trường lập nhóm gia đình tự quản để nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 347/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.
Theo công văn này, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh khi trở lại trường học, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thành lập tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn, tổ công tác do lãnh đạo xã, phường, thị trấn làm tổ trưởng.
Bên cạnh đó, khuyến khích các trường học thành lập nhóm gia đình tự quản các em học sinh (từ 3-5 học sinh/nhóm) để phối hợp với nhà trường, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh khi trở lại học trực tiếp và tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.
Đồng thời, phê duyệt kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp và kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong nhà trường. Xây dựng các phương án bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường tại các trường học.
Hồng Hạnh (TH)