Điểm tin ngày 09/03/2022
Báo điện tử Tiền phong đưa tin: Chứng nhận nghỉ việc cho F0 điều trị tại nhà: Đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc chi trả chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người bệnh mắc COVID-19. Trong đó có đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ giúp F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ này.
Hiện F0 điều trị tại nhà chỉ có các giấy tờ: quyết định cách li tại nhà do chính quyền địa phương cấp; giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách li do chính quyền địa phương cấp; giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà; quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách li y tế tập trung; phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh thông tin: Để giải quyết những vướng mắc trên, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hai nội dung. Cụ thể, cho phép Bộ Y tế áp dụng quy định tại Điều 146 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT theo trình tự thủ tục rút gọn. Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để BHXH làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19”.
Báo điện tử Bộ Công thương có bài: Chuyển đổi ngành công nghiệp dệt may theo hướng sản xuất xanh.
https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12776/chuyen-doi-nganh-cong-nghiep-det-may-theo-huong-san-xuat-xanh.html
Ngành dệt may đóng góp rất lớn trong cán cân thương mại xuất khẩu với tỷ lệ 13%-14%, tạo công ăn việc làm cho gần 4 triệu lao động trên khắp cả nước. Nhưng ngành dệt may đang có nhiều thách thức với môi trường, khi là ngành vẫm thuộc nhóm có lượng xả thải và tiêu tốn nhiều năng lượng.
Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã chỉ rằng trung bình một năm ngành công nghiệp dệt may toàn cầu tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ lít nước, 92 triệu tấn rác thải, chiếm 20% lượng nước thải công nghiệp. Khí thải của ngành dệt may chiếm 2% – 10% tổng lượng khí hiệu ứng nhà kính và tăng lên 26% vào năm 2050 nếu ngành không có động thái thay đổi.
Trung bình mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD cho năng lượng sản xuất. Không chỉ sử dụng nhiều năng lượng, ngành này còn gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Quy mô sản xuất vải ngày càng mở rộng, lượng ô nhiễm sẽ tăng không ngừng nếu công nghệ sản xuất không thay đổi.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xanh hóa ngành dệt may để tận dụng các cơ hội miễn/giảm thuế từ FTA với châu Âu và các nước (EVFTA, CPTPP…), đảm bảo các yêu cầu của FTA về nguồn nguyên liệu từ vải, sợi đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, xã hội. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất từ bây giờ, doanh nghiệp sẽ mất năng lực cạnh tranh. Đồng thời, để đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Báo điện tử VTVNews có bài: Do chủ quan, nhiều người tái nhiễm COVID-19 sau chỉ 1 tháng.
Việc tái nhiểm COVID-19 của một người có thể mắc nhiều lần và số lần không hạn định tuỳ thuộc ở mỗi người.
Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 thì chủ quan cho rằng mình đã có kháng thể, lại đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2.
Việc tái nhiễm COVID-19 của một người có thể mắc nhiều lần và số lần không hạn định tùy thuộc ở mỗi người, sau khi mắc và khỏi vẫn phải tuyệt đối tuân thủ 5K. Những người tâm lý chủ quan khi mắc COVID-19 sẽ có những hệ lụy sau này như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, hụt hơi, thậm chí nặng hơn ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp.
Hồng Hạnh (TH)