1900.636.628

Điểm tin ngày 06/07/2022

Báo Sức khỏe và Đời sống có bài: Hà Nội, TP HCM đã có ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5: Các chuyên gia khuyến cáo gì?

https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-tp-hcm-da-co-ca-covid-19-nhiem-bien-the-phu-ba4-ba5-cac-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-169220705165454806.htm

Khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 – 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như BA.4, BA.5…

Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Thêm vào đó là vaccine.

“Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5”- TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.

Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.

Báo điện tử Tiền phong có bài: Bùng phát sốt xuất huyết: Bệnh viện quá tải, thiếu hóa chất diệt muỗi.

https://tienphong.vn/bung-phat-sot-xuat-huyet-benh-vien-qua-tai-thieu-hoa-chat-diet-muoi-post1451306.tpo

Cả nước hiện có khoảng 92.000 người mắc sốt xuất huyết, 36 trường hợp tử vong, tăng khoảng 15.000 ca mắc và tăng 6 ca tử vong so với 10 ngày trước đó. Nhiều bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí ở hành lang bệnh viện; có địa phương thiếu hóa chất diệt muỗi.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới tại quận Đống Đa, quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 7 ổ dịch SXH tại 4 quận, huyện. Theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc SXH tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó). Từ đầu năm, thành phố có 175 ca mắc SXH, chưa ghi nhận tử vong.

Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… đã xuất hiện các ca SXH diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, tràn dịch màng phổi…) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, nếu người dân mắc SXH và tự điều trị tại nhà thì không được uống Acid Acetylsalicylic (Aspirin), Mefenemic acid (Ponstan), Ibuprofen, các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống, cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Báo điện tử Tri thức trực tuyến có bài: Miền Bắc tiếp tục mưa kéo dài.

https://zingnews.vn/mien-bac-tiep-tuc-mua-keo-dai-post1332185.html

Sau một ngày mưa dông bao phủ toàn bộ, hôm nay miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ mưa to đến rất to. Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục mưa dông buổi chiều.

Chiều tối và đêm qua (5/7), vùng mưa đã bao phủ toàn bộ miền Bắc, trong đó có những nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Riêng thủ đô Hà Nội, mưa to diễn ra trên toàn thành phố, nhiều nơi đạt lượng mưa lớn kỷ lục.

Khu vực Hà Nội ngày và đêm nay (6/7) có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, thời gian mưa chủ yếu vào chiều và đêm. Trong mưa dông đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cảnh báo, mưa dông ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8-9/7. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Hồng Hạnh (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ