1900.636.628

Điểm tin ngày 05/04/2023

Báo điện tử VTVNews có bài: Mạo danh tin nhắn ngân hàng lừa đảo: Làm sao để không mất tiền trong tài khoản?

https://vtv.vn/xa-hoi/mao-danh-tin-nhan-ngan-hang-lua-dao-lam-sao-de-khong-mat-tien-trong-tai-khoan-20230405003621026.htm

Những ngày vừa qua, nhiều người dân đã nhận được các tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng với nội dung như là: “Ứng dụng ngân hàng của khách hàng được phát hiện kích hoạt trên một thiết bị lạ” và yêu cầu bấm vào đường link để thay đổi hoặc hủy để tránh mất tài sản. Hay, một số người thì lại nhận được tin nhắn được cho là đến từ các mạng xã hội như Facebook, Tiktok… thông báo về chi phí quảng cáo hàng triệu đồng mỗi tháng, để kiểm tra hoặc hủy thì click vào đường link trong tin nhắn. Có người đã mất sạch tiền vì làm theo, và cũng có những người may mắn… dừng tay đúng lúc.

Cơ quan chức năng tích cực truy quét và xử lý các đối tượng lừa đảo. Các ngân hàng đã ngay lập tức cảnh báo đến người dân qua tin nhắn và trên ứng dụng của mình là: không bao giờ gửi được link qua tin nhắn. Đây có lẽ là điều mà khách hàng cần lưu ý nhất. Và hơn tất cả, từng người dân khi nhận được tin nhắn liên quan đến tiền bạc, chuyển tiền đi hay yêu cầu truy cập, hãy giăng thêm một lớp ăng ten phòng vệ. Và cố gắng thành một phản xạ: ngay lập tức gọi đến đường dây nóng chính thức của ngân hàng, đó là cách bảo vệ tốt nhất cho tiền của mình.

Báo Tiền phong có bài: Mạnh tay với nội dung TikTok độc hại.

https://tienphong.vn/manh-tay-voi-noi-dung-tiktok-doc-hai-post1523387.tpo

Thời gian gần đây, những nội dung tiêu cực, phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội TikTok ngày càng nhiều. Thuật toán phân phối nội dung tự động của nền tảng này khiến những nội dung xấu lan truyền với tốc độ chóng mặt.

TikTok hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Với định dạng video ngắn, nhiều bộ lọc hình ảnh, âm thanh độc đáo, TikTok ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Nhiều chủ tài khoản sử dụng TikTok như một kênh kiếm tiền. TikTok cũng là kênh tràn lan tin giả, định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành khẳng định, những nội dung xấu độc được sản xuất, lan truyền nhanh. Điều này gây hại cho người xem, người thực hiện nội dung và toàn xã hội.

Báo Vnexpress có đưa tin: Nhiều bệnh truyền nhiễm tăng ở Hà Nội.

https://vnexpress.net/nhieu-benh-truyen-nhiem-tang-o-ha-noi-4589488.html

Virus hợp bào hô hấp, chân tay miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết đang gia tăng ở Hà Nội, nhiều chùm ca lây lan tại các trường học.

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi, cho biết 20% trẻ nhập viện là do RSV, phần lớn dưới hai tháng tuổi. Nguyên nhân do virus này gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh.

CDC Hà Nội dự báo các bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do thời tiết giao mùa. Các chuyên gia cũng nhận định mùa đông xuân, độ ẩm không khí cao, nấm mốc là nguyên nhân khiến virus, vi khuẩn lây lan. Ngoài ra, qua hai năm Covid-19, hệ miễn dịch của trẻ chưa được huấn luyện đầy đủ, dẫn đến sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh.

Để ứng phó, ngành y tế yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng. Đồng thời, tổ chức tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được chích ngừa đầy đủ.

Người dân được khuyến cáo thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và đủ ảnh sáng. Người mắc bệnh truyền nhiễm phải được khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ