Điểm tin ngày 04/03/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo Dân trí có bài: Nhiều người “sốc” vì thành F0 lần 3 trong vài tháng: Chuyên gia nói gì?
Nhiều người dân, thậm chí là nhân viên y tế cảm thấy bất ngờ, lo lắng khi chỉ trong thời gian ngắn đã có kết quả xét nghiệm mắc Covid-19 đến lần thứ 3.
Những ngày qua, số ca Covid-19 ở Việt Nam tăng liên tục, ngày 3/3 lên đến gần 119.000 ca/ngày. Trong số này, không ít người đã từng là F0 nhưng lại tiếp tục tái mắc, thậm chí tái mắc nhiều lần.
Trao đổi với PV xoay quanh vấn đề F0 tái mắc nhiều lần, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, về mặt khoa học việc tái nhiễm sau khi mắc bệnh hoặc bị nhiễm đột phá là hiện tượng có thể xảy ra. Bởi vì khi bị mắc bệnh, dù đã có kháng thể hoặc tiêm vaccin tạo kháng thể, nhưng kháng thể chủ yếu nằm trong máu. Trong khi đó, virus xâm nhập vào niêm mạc đầu tiên, gây bệnh và sau đó mới phổ rộng kháng thể lên.
Theo chuyên gia, việc tiêm chủng có hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do đó việc nhiều người cho rằng tiêm vaccin rồi nhưng vẫn bị mắc do kháng thể thấp là điều hiển nhiên. PGS Dũng lý giải, sau một thời gian tiêm thì lượng kháng thể sẽ giảm đi. Quan trọng là khả năng tạo kháng thể của cơ thể vẫn còn, để ngăn cản sự tiến triển bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân là kháng thể sản sinh trong cơ thể không kéo dài bền vững, một phần do virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến chủng mới. Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp dương tính giả, dương tính kéo dài dù không còn triệu chứng. Vì vaccine không bảo vệ khỏi Covid-19 hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng vẫn cần tuân thủ 5K để vừa giảm nguy cơ mắc bệnh, vừa giảm khả năng lây lan cho cộng đồng và giúp duy trì các hoạt động sinh hoạt xã hội, lao động sản xuất.
Báo Tổ quốc có bài: F0 thể nhẹ nhưng nguy kịch hậu Covid-19, bác sĩ khuyến cáo những triệu chứng “báo động đỏ” cần nhập viện ngay!
Không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý mà ngay cả những bệnh nhân không bệnh nền, người trẻ nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, thậm chí trẻ em, đều có thể mắc những di chứng hậu Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, phụ trách phòng khám hậu Covid-19 (khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, một tháng qua, có khoảng 100 người bệnh đến khám hậu Covid-19. Trong đó, 25% người mắc triệu chứng nặng, phải nhập viện. Trong khoa hiện điều trị 25 bệnh nhân.
Đặc biệt, tim mạch là một trong những cơ quan gặp biến chứng sau Covid-19, nhẹ thì mệt mỏi, khó thở, co thắt ngực, nhưng nếu nặng có thể viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim, đột tử.
Những triệu chứng hậu Covid-19 có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, gồm mệt mỏi, mất ngủ, ho kéo dài, nặng là khó thở, đau ngực, SpO2 giảm, ý thức giảm đột ngột, yếu chân tay. Người bệnh khỏi Covid-19 từ 4-5 tuần, nếu các triệu chứng cấp tính của bệnh không giảm hoặc xuất hiện triệu chứng mới, cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Những trường hợp hậu Covid-19 nhẹ sẽ được bác sĩ kê đơn về theo dõi tại nhà, nặng sẽ phải nhập viện điều trị.
Báo điện tử VTV News đưa tin: Trong quý I/2022 sẽ đưa về nước 7 triệu liều vaccine cho trẻ em.
Bộ Y tế thúc đẩy các thủ tục để dự kiến trong tháng 3 sớm hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trước khi xây dựng kế hoạch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và được cho ý kiến. Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về nội dung này, sau đó Bộ đã tổng hợp ý kiến trình Chính phủ.
“Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vaccine với số lượng 21,9 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em. Thủ tướng đã có quyết định cho Bộ Y tế mua theo cơ chế đặc biệt, theo điều 26 của Luật Đấu thầu”, ông Tuyên cho hay.
Cùng với đó, căn cứ ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5 – 11 tuổi. Theo đó, tỷ lệ “đồng tình cao” khoảng 78%; tỷ lệ “đồng tình” khoảng 18%; tổng cộng đạt 95 – 96%.
S1959 (Tổng hợp)