Điểm tin ngày 03/03/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo Người lao động online đưa tin: “Dừng hỗ trợ đoàn viên – lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Quyết định 4292/QĐ-TLĐ về việc dừng thực hiện Quyết định 3749/QĐ-TLĐ (ban hành ngày 15-1-2021) chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị nhiễm Covid-19 trước ngày 1-3-2022 theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31-3-2022. Kể từ ngày 1-3-2022, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (kể cả F0 tử vong) được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định 4290/QĐ-TLĐ ngày 1-3-2022 về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản Công đoàn cơ sở; Quyết định 4291/QĐ-TLĐ ngày 1-3-2022 về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan Công đoàn.
Theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đoàn viên, NLĐ là F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch Covid-19 được hỗ trợ với 2 mức sau: Tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Đoàn viên, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí Công đoàn bị tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 thì thân nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.
Báo Lao động thông tin: “Làm sao để giảm nguy cơ lây nhiễm khi sống cùng F0?”
https://laodong.vn/suc-khoe/lam-sao-de-giam-nguy-co-lay-nhiem-khi-song-cung-f0-1019365.ldo
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng F0 thì phải ở riêng phòng, mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống phải tách biệt với những người mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi chung nhà thì dù là F0 hay F1 cũng phải đeo khẩu trang. Đồng thời, F1 phải tự theo dõi sức khoẻ của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0…
Để hạn chế tối đa lây chéo, mọi thành viên trong gia đình nếu có F0 cần hạn chế nói chuyện với nhau, có thể trao đổi qua điện thoại hoặc tin nhắn. Đặc biệt, cần lưu ý ở những vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức không khạc nhổ bừa bãi, chú ý vệ sinh thường xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện để tránh virut lây lan…
Những người mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình có khả năng lây nhiễm không quá 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Người có biểu hiện nặng hơn có khả năng lây nhiễm không quá 20 ngày sau khi phát bệnh.
Đặc biệt, những người đã khỏi bệnh vẫn có thể cho kết quả dương tính trong tối đa 3 tháng sau khi nhiễm. Tuy nhiên, những cá nhân này không còn lây nhiễm trong thời gian đó.
Nếu có thể, hãy dành một phòng ngủ và phòng tắm riêng cho người bị bệnh. Nếu không thể tách biệt, thành viên mắc COVID-19 nên làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng sau mỗi lần dùng.
Báo Dân trí đưa tin Thủ tướng: Bỏ ngay yêu cầu có giấy xác nhận là F0 mới được mua thuốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc người bệnh phải có giấy xác nhận F0 và đơn thuốc mới được mua thuốc trị Covid-19.
Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Y tế được yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị Covid-19.
Trước đó, báo chí phản ánh về thủ tục cứng nhắc khiến người dân vất vả khi phải tự xoay sở mua thuốc điều trị Covid-19. Cụ thể, từ thời điểm thuốc Molnupiravir chính thức lên kệ ở các cửa hàng dược phẩm, người mua được thuốc này không nhiều. Lý do là người mua không đáp ứng đủ quy định như phải có giấy xác nhận là F0, có đơn thuốc do bác sĩ ký tên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ cho rằng, bán thuốc kháng virus theo đơn bác sĩ kê là đúng. Nhưng với Covid-19, quy định này trở nên quá khó khăn, nhiêu khê. Đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể bác sĩ nào được quyền kê đơn này. Còn nếu chờ giấy xác nhận F0 của địa phương thì đã muộn vì thuốc chỉ dùng trong những ngày đầu mắc Covid-19.
Do vậy, nên cắt giảm thủ tục nếu không người bệnh vẫn rất khó khăn khi tiếp cận thuốc.
S1959 (Tông hợp)