Điểm tin ngày 01/10/2022
Báo điện tử Hà Nội mới có bài: Cảnh báo tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1043537/canh-bao-tai-bien-do-phau-thuat-tham-my
Trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Trên các hội, nhóm làm đẹp, diễn đàn, chị em thường xuyên trao đổi, lan truyền những cách làm đẹp, trẻ hóa các bộ phận trên cơ thể với khả năng đẹp tức thì, không đau, không để lại sẹo… với giá cả ưu đãi mà không quan tâm đến cơ sở pháp lý của cơ sở thẩm mỹ. Có những nơi treo biển viện thẩm mỹ quốc tế, tập đoàn… nhưng thực chất trên giấy đăng ký kinh doanh chỉ là “Hộ kinh doanh chăm sóc sắc đẹp” chỉ đăng ký dịch vụ chăm sóc da. Với những quảng cáo quá mức như vậy, các nạn nhân dễ bị dẫn dụ vào ma trận, nhẹ thì mất tiền, nặng thì ảnh hưởng sức khỏe, thân thể.
Theo báo cáo của Bệnh viện Da liễu trung ương tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ năm (cuối tháng 7 vừa qua), thời gian gần đây một số bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tai biến do làm đẹp, có những ca bị biến chứng nặng nề như hoại tử, tắc mạch, mù mắt… PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, tai biến trong thẩm mỹ nội khoa thường là sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng. Ngoài ra, còn có những tai biến sau tiêm filler, lột da, lăn kim, tia laser…
Về vấn đề trên, các chuyên gia ngành thẩm mỹ đưa ra khuyến cáo, người dân cần lựa chọn các cơ sở được cấp phép hoạt động thẩm mỹ. Với các thủ thuật, kỹ thuật xuyên qua da (kỹ thuật xâm lấn) hoặc có bôi, đắp thuốc trên da diện rộng, cần tới các bệnh viện bảo đảm đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức.
Báo điện tử Dân trí có bài: Cạm bẫy ẩn trong vị ngọt của những ly nước có đường.
Đồ uống có đường hay nước ngọt gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.
Chia sẻ thông tin tại một hội nghị tập huấn mới đây, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo về mức tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam đang tăng rất nhanh.
Cụ thể, năm 2002, trung bình mỗi người dân chỉ tiêu thụ khoảng 6 lít đồ uống có đường thì năm 2021 con số này đã tăng lên gần 56 lít, gấp 10 lần sau 2 thập niên.
Một trong những loại đường phổ biến được nhà sản xuất cho vào các loại nước ngọt là fructose. Đường fructose sẽ làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride, kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều so với glucose. Điều này làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và tình trạng thừa cân béo phì.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em và thiếu niên 5-19 tuổi thừa cân ở Việt Nam tăng nhanh (tăng 11%), trong đó có nguyên nhân một phần từ sử dụng nước ngọt. Không những thế, sử dụng 1 lon nước ngọt hàng ngày cũng gia tăng các vấn đề liên quan tim mạch, xương răng, cơ xương khớp, chuyển hóa đái tháo đường lên 20- 30%.
Báo điện tử VTC News có bài: Không khí lạnh khả năng gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 10.
https://vtc.vn/khong-khi-lanh-kha-nang-gia-tang-tan-suat-va-cuong-do-trong-thang-10-ar704355.html
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong thời kỳ dự báo từ ngày 1-31/10, khả năng xuất hiện khoảng 2 xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Không khí lạnh gia tăng tần suất và cường độ, tập trung trong nửa cuối tháng 10/2022. Cũng theo cơ quan khí tượng, trong khoảng thời gian trên, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở Tây Bắc và một số nơi vùng núi Đông Bắc thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-25%. Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 20-50%, có nơi lớn hơn. Nam Bộ có tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Hồng Hạnh (TH)