Đào tạo và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động năm 2022
Ảnh: Anh Tú
Triển khai chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” theo Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023; Công đoàn Dệt May Việt Nam ban hàng kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo “Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” năm 2022. Công đoàn Dệt may Việt Nam tiến hành ký kết, hợp tác với các đơn vị đào tạo chuyên ngành; phối hợp với các Công đoàn cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ.
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 11/10/2022 khai giảng lớp học tại Công ty TNHH 888 với 38 học viên đến từ 3 Công ty: 888, Công ty TNHH S&D Thanh Hóa, Công ty TNHH Thiên Nam – Hà Trung.
Ngày 13/10/2022, khai giảng lớp học tại Công ty TNHH Thiệu Đô với 40 viên. Đến dự lễ khai giảng lớp học có Ông Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam; Bà Trần Quý Dân – Chủ tịch Công đoàn TCT May 10; cùng các giảng viên đến từ Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: ThS. Đinh Thị Thủy, ThS. Trần Thị Ngát, ThS. Nguyễn Văn Thư.
Phát biểu tại lễ khai giảng lớp học, ông Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Dự kiến trong tháng 9, tháng 10 chúng tôi sẽ mở 15 lớp với khoảng trên 700 học viên của các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ, việc đào tạo thường xuyên, đào tạo lại và đào tạo nâng cao là công việc mà các doanh nghiệp phải làm thường xuyên và thông qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó nâng cao và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và thu nhập cho NLĐ. Đối với người lao động, việc học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến động bất ngờ do ảnh hưởng của thị trường, khoa học công nghệ, dịch bệnh… tăng khả năng thích ứng trước mọi thay đổi.”
Hiểu được tầm quan trọng của các chương trình đào tạo, đồng thời là người đứng lớp phụ trách giảng dạy rất nhiều lần, bà Nguyễn Thiên Lý khẳng định Công ty TNHH 888 luôn sẵn sàng trước các hoạt động đào tạo, đồng thời bà nhắn nhủ đến các học viên đến từ 3 đơn vị: “Các bạn được lựa chọn đi học cần biết: học là một đặc ân. Khi biết đây là một đặc ân, “học thì ấm vào thân” thì các bạn sẽ học tập với thái độ rất khác. Tôi hy vọng qua lớp học này thì 38 anh chị em sẽ phát huy được sức trẻ và những kiến thức được học vào thực tiễn.”
Chương trình học “Quản lý tổ sản xuất ngành may” được diễn ra trong 5 ngày, với các nội dung giảng dạy phong phú và vô cùng thiết thực: Kỹ năng lắng nghe và giải quyết vấn đề; Kỹ năng triển khai công việc tại tổ sản xuất; Tâm lý lao động và kỹ năng tạo động lực làm việc; Những kiến thức cơ bản về quản lý; Vai trò, trách nhiệm và bí quyết điều hành của TTSX; Năng suất và một số biện pháp tăng năng suất tại dây chuyền; Những kiến thức cơ bản về QLCL; Nhận diện 7 loại lãng phí trong doanh nghiệp và cách khắc phục; Huấn luyện kỹ năng về 5S, Xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất tại tổ; Giới thiệu tổng quan về sản xuất tinh gọn – LEAN trên dây chuyền may công nghiệp.
Chương trình đào tạo được tổ chức với mục đích tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống thu nhập của đoàn viên, CNLĐ. Nâng cao khả năng thích ứng của người lao động trước ảnh hưởng của dịch Covid -19 và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy phong trào học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sức sáng tạo, sự thích nghi, sẵn sàng chuyển đổi nghề của người lao động.
S1959